Hoàn thành rà soát mức tiêu hao năng lượng ngành bia và nước giải khát
Date: 15/06/2023
Thông tư số 19/2016/TT-BCT (Thông tư 19) về mức tiêu hao năng lượng ngành bia và nước giải khát được ban hành và có hiệu lực năm 2016. Trong khuôn khổ dịch vụ tư vấn cho Bộ Công Thương năm 2023, các nội dung quản lý được quy định trong Thông tư 19 đã được rà soát, cập nhật, tham vấn các bên liên quan với sự tham gia của 92 cơ sở sản xuất và 46 Sở Công Thương. Nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị cập nhật nội dung quản lý của Thông tư, bao gồm các định mức quy định theo quy mô công suất cho giai đoạn 2026-2030. Dưới đây là một số quan sát, phát hiện chính, làm căn cứ đề xuất điều chỉnh Thông tư: Ngành bia Bên cạnh ảnh hưởng của đại dịch covid, tiểu ngành sản xuất bia chịu tác động lớn của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Mặc dù vậy, đã có những nỗ lực đáng kể được ghi nhận từ các nhà máy bia thuộc Tập đoàn Heineken, Tổng công ty Rượu, Bia, Nước giải khát Sài gòn (Sabeco) và một số đơn vị khác trong việc tăng cường quản lý, đầu tư công nghệ, thiết bị, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để bù đắp cho các đơn vị chậm đầu tư, đổi mới và chịu ảnh hưởng nặng nề hơn của sự thay đổi thị trường. Từ đó, ngành bia đã đạt mục tiêu giai đoạn hết 2020. Toàn ngành bia có một số thay đổi sau:
Sản lượng toàn ngành giảm từ 5,1 tỷ lít năm 2019 xuống còn 4,5 tỷ lít năm 2021. Nhiều nhà máy hoạt động non tải. Chỉ còn rất ít các doanh nghiệp nhỏ dưới 10 triệu lít/năm. Bên cạnh đó, đã xuất hiện doanh nghiệp hoạt động với quy mô trên 1 tỷ lít/năm (Heineken). Quy định về mức tiêu hao năng lượng theo quy mô công suất đã được rà soát để đề xuất điều chỉnh.
Có sự dịch chuyển đáng kể về hình thức bao gói. Tỷ lệ bia chai thuỷ tinh giảm từ 55% năm 2012 xuống 28% năm 2021. Thay vào đó, tỷ lệ bia lon tăng dần từ 29% lên 60%. Bia hơi không chỉ đóng gói ở dạng keg mà đã xuất hiện thêm hình thức bao gói dạng chai PET và lon. Hệ số quy đổi bia hơi, bia chai, bia lon về sản phẩm tương đương đã được rà soát để đề xuất điều chỉnh thông qua kiểm toán năng lượng sơ bộ.
Ngoài bia truyền thống, thị trường đã xuất hiện bia không cồn đóng lon. Sản lượng giai đoạn 2019-2022 nhỏ (798.300 lít). Nhu cầu sản phẩm bia không cồn sẽ có sự tăng trưởng trong thời gian tới nhờ tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Một số đơn vị trong ngành cũng đã có kế hoạch cụ thể cho dòng sản phẩm này. Do đó, quy định đối tượng áp dụng, phương pháp xác định suất tiêu hao năng lượng bổ sung với sản phẩm bia không cồn đã được rà soát, xây dựng để đề xuất điều chỉnh.
Số doanh nghiệp mua hơi tăng từ 13% lên 62%. Quy định quản lý mức tiêu hao năng lượng đối với hơi mua vào có tầm quan trọng hơn so với trước đây và đã được rà soát để đề xuất điều chỉnh. Ngành nước giải khát: Nước giải khát Tiểu ngành nước giải khát đã có những nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm thiểu lượng năng lượng sử dụng, tuy nhiên suất tiêu hao năng lượng trung bình của tiểu ngành vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giai đoạn đến hết năm 2020. Lượng đơn vị sản xuất NGK tiếp cận với thông tư không cao (38% doanh nghiệp biết đến thông tư vào năm 2022). Dưới đây là một số thay đổi của ngành NGK:
Sản lượng toàn ngành nước giải khát có sự tăng trưởng 3,0 tỷ lít năm 2019 lên 3,4 tỷ lít năm 2021 (giảm nhẹ xuống 2,9 tỷ lít năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch). Tỷ lệ huy động công suất tại nhà máy ổn định qua các năm nhưng tỷ lệ huy động công suất chênh lệch giữa các nhà máy là lớn (15-87% ở nhóm NGK có ga và không ga, 2-100% ở nhóm NGK không ga năm 2021). Nhóm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, siêu nhỏ có số lượng lớn, sản lượng thấp, yêu cầu nguồn lực quản lý lớn. Quy định phân nhóm theo loại sản phẩm, loại bỏ nhóm quy mô công suất nhỏ đã được rà soát và đề xuất điều chỉnh.
Có sự gia tăng tỷ trọng của sản phẩm NGK có ga từ 46% năm 2012 lên 74% năm 2021. Chưa xuất hiện dạng bao gói mới chiếm tỷ trọng đáng kể. Các bao gói chủ yếu vẫn là chai nhựa PET không thu hồi, chai thủy tinh có thu hồi, lon và một tỷ trọng nhỏ bao gói dạng khác (hộp giấy, post-mix). Hệ số quy đổi giữa loại nước giải khát, loại bao gói về sản phẩm tương đương đã được rà soát để đề xuất điều chỉnh thông qua kiểm toán năng lượng sơ bộ.
Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam vào năm 2018 đã sử dụng tên gọi “Đồ uống không cồn” với ngành sản xuất nước giải khát. Hoạt động quy chuẩn tên gọi của tiểu ngành theo các văn bản pháp luật đã ban hành được rà soát và đề xuất điều chỉnh.
Giai đoạn nghiên cứu xây dựng thông tư, các đơn vị nhập chai nhựa PET từ nhà cung ứng bên ngoài. Hiện tại, hoạt động thổi chai nhựa PET từ phôi hoặc hạt nhựa được thực hiện trực tiếp tại cơ sở sản xuất và phần năng lượng cho hoạt động này là không thể tách rời. Quy định phạm vi xác định suất tiêu hao năng lượng với công đoạn thổi chai nhựa PET đã được rà soát và đề xuất bổ sung.
Sản phẩm nước tinh khiết, nước khoáng là sản phẩm phụ phổ biến của các cơ sở sản xuất nước giải khát. Phần năng lượng dùng sản xuất sản phẩm này không thể tách riêng với năng lượng sản xuất nước giải khát. Do đó, hệ số bù trừ năng lượng cho sản phẩm nước tinh khiết, nước khoáng được xây dựng và đề xuất bổ sung. Thông tư 19/2016/TT-BCT: Ngoài những thay đổi của hai tiểu ngành, những quy định trong thông tư về áp dụng định mức, công tác báo cáo, quản lý, giám sát được rà soát và đưa ra những điều chỉnh phù hợp:
Đơn vị suất tiêu hao năng lượng, định mức tiêu hao năng được quy định trong thông tư là “MJ/hl”. Quá trình rà soát cho thấy đơn vị này gây khó khăn, nhầm lẫn trong quá trình chuyển đổi. Do đó, tư vấn đề xuất sử dụng đơn vị khác phù hợp với hệ đo lường SI Việt Nam đang áp dụng.
Quá trình rà soát thông tư cho thấy yêu cầu về đảm bảo suất tiêu hao năng lượng không vượt quá định mức đề ra là không khả thi với các nhà máy nằm xa ở trên định mức. Việc giảm suất tiêu hao cần phải tiến hành dần qua các năm với từng giải pháp SDNLTKHQ được thực hiện. Tư vấn đề xuất quy định tỷ lệ cải thiện suất tiêu hao năng lượng so với năm trước đối với những đơn vị chưa đáp ứng định mức trong thông tư sửa đổi.
Đã có quy định rõ ràng về hoạt động báo cáo, mẫu báo cáo của cơ sở sản xuất, của Sở Công Thương. Quá trình rà soát chỉ ra một số điểm cần chỉnh sửa trong hai mẫu báo cáo giúp cho Sở Công Thương và Vụ TKNL&PTBV nắm rõ hơn thông tin tiêu hao năng lượng của đơn vị và toàn ngành sản xuất. Hai mẫu báo cáo của cơ sở sản xuất và Sở Công Thương được đề xuất điều chỉnh.
Quy định về hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện định mức tiêu hao năng lượng và trách nhiệm của Sở Công Thương, Vụ TKNL&PTBV được thể hiện chi tiết trong thông tư. Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện chưa có tác động rõ rệt tới các cơ sở sản xuất. Đề xuất điều chỉnh tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát (đặc biệt kết hợp giữa trung ương và địa phương).
Những giải pháp SDNLTKHQ quy định trong thông tư hiện tại có thể áp dụng trong giai đoạn tiếp theo. Những giải pháp SDNLTKHQ mới trong hai tiểu ngành được phát hiện trong quá trình khảo sát. Hai mục giải pháp SDNLTKHQ cho nhóm NGK có ga và không ga có thể được gộp chung bởi có sự tương đồng. Do đó, tư vấn đề xuất điều chỉnh mục giải pháp SDNLTKHQ theo kết quả rà soát. Các khuyến nghị đang được Bộ Công Thương rà soát và công bố./.
Đăng nhập